Quan điểm Trần_Minh_Tông

Trần Minh Tông thường dặn các con tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, để biết điều đúng mà noi theo, biết điều sai mà tránh làm.[12] Sau khi Minh Tông nhường ngôi lên làm Thái thượng hoàng, có lần Uy Túc công Văn Bích khuyên ông không nên kể về các bạo chúa (vì sợ các hoàng tử bắt chước), Thượng hoàng phản bác rằng:[11]

Thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào. Nếu con ta quả là hiền, thì nghe điều thiện tất phải theo mà học tập, nghe điều ác tất phải ghét mà tránh xa; thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu con ta không hiền, thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác? Như Thái Khang thất đức, là bởi các vua trước chơi bời mà bắt chước hay sao? Tùy Dạng Đế luôn mồm nói đến Nghiêu Thuấn, nhưng mọi việc làm của ông ta thì lại như Hạ Kiệt, Trụ Vương, có phải là ông ta thấy điều thiện mà bắt chước hay sao.

— Trần Minh Tông

Đối với việc an táng, Trần Minh Tông tỏ ra là người ít tin vào duy tâm. Năm 1332, khi làm lễ an táng Thuận Thánh Hoàng thái hậu vào Thái Lăng, ở Yên Sinh, Thượng hoàng Minh Tông sai các quan chọn ngày chôn cất. Có người bác đi cho rằng: Chôn năm nay tất hại người tế chủ. Thượng hoàng không đồng tình, cho rằng:[62]

Lễ cát lễ hung phải chọn ngày là vì coi trọng việc đó thôi, chứ đâu có phải câu nệ họa phúc như các nhà âm dương.

Và ông vẫn cử hành lễ tang.[62]

Thượng hoàng thường dạy các hoàng tử:[60]

Ai mà trì khu làm giàu, co cỏm bỏn sẻn, thì không phải là con ta. Thà rằng hào phóng mà phải nghèo, dẫu không khỏi túng thiếu đấy thật, nhưng vẫn không phi tiếng là con nhà sang.

Ông cũng hay nói:[60]

Ông vua dùng người, không phải có thiên vị với ai đâu. Nếu ta thực là người hiền, thì những người mình dùng được cũng hiền; ấy như Nghiêu, Thuấn với Tắc, Tiết, Quỳ, Long đấy. Nếu như không phải là người hiền, thì những người mình dùng cũng không phải là hiền; ấy như Kiệt, Trụ với Phi Liêm, Ác Lai đấy. Đó là cái lẽ thanh ứng khí cầu, loài nào đi thứ ấy, chứ có tây vị ai được đâu?

— Trần Minh Tông

Trần Minh Tông còn là một Phật tử mộ đạo[63]. Mối quan hệ giữa nhà vua với các thiền sư Thiền phái Trúc Lâm như Pháp LoaHuyền Quang được ghi nhận là rất tích cực.[6] Năm 1314, ngay sau khi lên ngôi, hoàng đế sai dựng 3 bức tượng Phật cao 17 thước ở chùa Báo Ân-Siêu Loại (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Cũng tại đây, ông cho lập điện Phật, gác kinh, nhà Tăng, tổng cộng 33 sở. Thầy Pháp Loa, tổ thứ hai Thiền phái Trúc Lâm đã đặt tên cho các nơi này; Minh Tông tự mình viết tấm biển "Nhị hương điện" trao cho chùa. Năm 1316, Thượng hoàng Anh Tông hạ chiếu thỉnh thầy Pháp Loa vào đại nội trao giới Bồ-tát tại gia cho Minh Tông.[63] Từ đó, Minh Tông càng chuyên tâm nghiên cứu, học hỏi về Thiền học.[6] Theo Thánh đăng ngữ lục, Minh Tông đã khuyến khích các thiền sư Pháp Loa, Huyền Quang, Pháp Cổ, Kim Sơn và Cảnh Huy giảng kinh sách của Phật và các Tổ Thiền tông ở hai kinh đô: Thăng Long và Thiên Trường. Minh Tông còn cống hiến nhiều tiền, vàng và nhân công cho việc xây dựng Bảo tháp Viên Thông (nơi chứa nhục thân của Pháp Loa sau khi ông viên tịch) và chùa Đại Tư Quốc – đều ở Hải Dương.[6] Toàn thư cũng ghi lại một lần Minh Tông bảo vệ lập trường trước Huệ Túc vương Trần Đại Niên, một người bài xích đạo Phật:[64]

"Lại một hôm, [Thượng hoàng] mời Huệ Túc vương vào tẩm điện, bảo ông ngồi. Thượng hoàng đang ăn chay. Huệ Túc vương... nhân nói:- Thần không biết ăn chay thì có ích lợi gì?Thượng hoàng đoán biết ý ông, liền dụ rằng:- Ông cha ta ngày xưa thường ăn cơm chay, cho nên ta bắt chước đó thôi, còn ích lợi gì thì ta không biết.Huệ Túc im lặng rồi lui ra."